Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Kinh nghiệm du học ở Úc



Trong khoảng thời gian đầu đến Úc, nhiều du học sinh Việt Nam có thể gặp không ít khó khăn do những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa... Báo Cần Thơ giới thiệu đến độc giả bài viết của tác giả Nguyễn Hồng Chí, Trung tâm Ngoại ngữ - Trường Đại học Cần Thơ, về những khó khăn và cách khắc phục mà tác giả và một số bạn bè của tác giả đã trải nghiệm.
Kinh nghiệm du học ở Úc
Để hòa nhập nhanh vào môi trường học tập và học tốt
Khi du học, các du học sinh Việt Nam thường gặp trở ngại về ngôn ngữ. Ở Úc, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính thức nhưng ngữ giọng người Úc khá bằng phẳng, pha tạp nhiều ngữ giọng nước ngoài, hơi khó nghe. Cách nói của người Úc rất đa dạng, sử dụng nhiều thành ngữ và tiếng lóng. Trong lớp, thầy cô giáo và sinh viên nói chuyện rất nhanh. Những người có chuyên môn thường hay sử dụng các từ viết tắt và nói tắt. Vì thế, ở những buổi đầu tham gia lớp, có thể bạn sẽ hoàn toàn không hiểu gì. Giáo viên cũng hay phàn nàn bài viết của sinh viên Việt Nam có nhiều lỗi ngữ pháp, sử dụng từ không chính xác, viết không đúng theo phong cách học thuật.
Kinh nghiem du hoc o Uc
Giải bài tập theo tình huống tại ĐH Quensland Úc. Ảnh: NGUYỄN HỒNG CHÍ
Bộ phận Giáo dục Quốc tế Úc (tầng trệt Tòa nhà Landmark, 5B Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) trực thuộc Tổng Lãnh sự và Đại sứ quán Úc (số 8, Đào Tấn, Quận Ba Đình, Hà Nội) có thể cho bạn những lời tư vấn bổ ích về du học Úc. Trước khi lên đường, bạn có thể tham gia vào những hội sinh viên Việt Nam tại Úc bằng email để được giúp đỡ.
Để khắc phục trở ngại này, bạn có thể tham gia lớp học tiếng Anh học thuật ở bậc đại học (kéo dài khoảng 5 tuần); có thể ở tại nhà dân địa phương. Để cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình, bạn nên thường xuyên xem ti-vi, nghe đài, đọc báo. Ngữ giọng của đài SBS dễ hiểu cho những người mới đến, đài ABC có ngữ giọng Úc đặc thù. Tờ báo The Australians có thể cung cấp cho bạn những từ vựng hiện đại được sử dụng phổ biến ở Úc. Các trường đại học cũng có dịch vụ hỗ trợ sinh viên về tiếng Anh hoàn toàn miễn phí. Sự tự tin, mạnh dạn phát biểu trong lớp học, khi học nhóm cũng giúp bạn cải thiện ngôn ngữ một cách đáng kể.
Các trường của Úc đào tạo theo học chế tín chỉ. Trung bình mỗi tuần, bạn sẽ phải làm việc ở nhà hay theo nhóm 8- 9 giờ/ môn học. Theo học ở bậc càng cao, bạn càng phải đọc nhiều sách, tài liệu. Đọc nhiều nên bạn thường có khuynh hướng lồng ghép và trích dẫn quá nhiều ý kiến của các chuyên gia trong bài viết thay vì phân tích và đưa ra những quan điểm cá nhân. Do đó, bạn chỉ đạt điểm distinction (giỏi) mà không thể vươn đến mức high distinction (xuất sắc).
Để sớm hòa nhập vào môi trường học tập ở Úc, bạn nên tham gia buổi thông tin định hướng, các buổi giới thiệu cách sử dụng các thiết bị của trường, của khoa, vào đầu học kỳ. Trong những ngày đầu tiên, bạn cần thực hiện theo những hướng dẫn để làm thẻ ngân hàng, thẻ sinh viên. Việc mượn sách, đăng ký môn học, thời khóa biểu và điểm thi sẽ được gửi qua email nên bạn phải sớm học cách sử dụng email. Ở mỗi bộ môn đều có chuyên viên phụ trách về việc đăng ký; bạn có thể gặp trực tiếp họ để xin ý kiến hoặc nhận những tài liệu hướng dẫn có liên quan. Bạn cũng có thể gặp trực tiếp giảng viên giảng dạy để thảo luận kế hoạch học tập chi tiết.
Nếu bạn muốn làm nghiên cứu trong khóa học thì nhớ ôn tập lại những lý thuyết cơ bản của môn Xác suất thống kê và mua những phần mềm xử lý số liệu phù hợp. Bạn cũng nên mua đĩa CD cài đặt phần mềm đánh tiếng Việt hoặc cài sẵn nó vào máy tính xách tay; mua 1 hay 2 cái USB (hoặc ổ cứng), đĩa CD trắng, để chép tài liệu. Bạn nên tham gia vào các nhóm đọc (reading group) theo những đề tài nghiên cứu, do các giáo sư và những nghiên cứu sinh tổ chức để có dịp mở rộng kiến thức chuyên môn và giải quyết các khúc mắc trong học tập.
Trong suốt quá trình học, giáo sư sẽ liên tục đánh giá năng lực, thái độ học tập của bạn và họ sẽ quyết định cho bạn đậu hay rớt môn học đó khi bạn bị điểm thấp. Vì vậy, bạn hãy thể hiện tinh thần học hỏi tích cực trong lớp và thường xuyên hẹn gặp giáo viên để được hướng dẫn thêm. Hãy mạnh dạn trình bày quan điểm, kinh nghiệm cá nhân của bạn. Nếu đang nghiên cứu, bạn phải gặp giáo sư hướng dẫn tối thiểu hai tuần/ lần và tuân thủ thời khóa biểu làm việc được thiết lập trước. Bạn phải đọc sách, tạp chí chuyên ngành theo đúng yêu cầu của giáo sư. Bạn tuyệt đối tránh ăn cắp văn của người khác hoặc “xào nấu” lại các bài viết của chính mình hoặc quên đánh tên tác giả trong tài liệu tham khảo, vì đây là một trong những “trọng tội”, có thể bị đuổi học.
Sống vui vẻ cùng người Úc
Bạn nên nhớ các gia đình ở Úc rất tiết kiệm nước vì Úc là quốc gia khô hạn. Vì vậy, họ không thích những ai phí phạm nước như xả nước liên tục khi súc miệng, tắm trong bồn tắm, sử dụng máy giặt thường xuyên... Người Úc luôn hy vọng mọi người đều chia sẻ công việc nhà với nhau như nấu cơm, rửa chén, hút bụi, cắt cỏ trong vườn... Mọi người đều rất tôn trọng sự tự do trong sinh hoạt cá nhân và ít khi tỏ thái độ quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Sau 10 giờ đêm, bạn không nên gọi điện thoại cho người khác, nhất là sử dụng số điện thoại bàn. Nếu có ai gọi gặp người trong nhà nhưng họ không có ở đấy, bạn hãy ghi chú lại trên tờ giấy nhỏ và dán ở trên cửa phòng của người đó. Nếu thành viên ở chung nhà có nhờ bạn dọn dẹp, giúp một công việc hoặc xin một vài điếu thuốc, bạn đừng ngạc nhiên khi họ trả tiền cho bạn. Bạn hãy lịch sự và vui vẻ từ chối với lý do đây là những việc vặt vãnh.
Trung bình tổng chi phí cho một năm học trung học hoặc thạc sĩ tại Úc là 28.500 đô-la Úc. Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách đem theo những vật dụng cần thiết từ Việt Nam, như: điện thoại di động, máy tính xách tay, từ điển, quần áo đủ mặc, mỹ phẩm cá nhân... Bạn nên mang theo kim chỉ, nút áo, đồ cắt móng tay. Bạn có thể chọn mua hàng hóa ở hệ thống siêu thị Woolworths, K-Mart và Coles với những mặt hàng có giá bình dân. Những mặt hàng có ghi hiệu Homebrand thì cực rẻ nhưng nghe nói đây là những hàng được sản xuất ở công đoạn cuối của dây chuyền sản xuất với các chất liệu còn sót lại hay là những mặt hàng chất lượng thấp. Bạn có thể mua một số mặt hàng điện và điện tử ở các cửa hàng Converters nhưng phải kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng. Thông thường mỗi năm Úc có bán hàng giảm giá trong suốt tháng 6. Bạn có thể tận dụng cơ hội này để trang bị cho mình những vật dụng còn thiếu.
Để kiếm tiền, bạn có thể đi làm ở các shop người Việt nhưng lương không cao và không có nhiều giờ để làm. Bạn có thể liên hệ với bộ phận sắp xếp việc làm cho sinh viên ở trường để đăng ký xin thêm giấy phép làm việc với lệ phí khoảng 60 đô-la Úc (bạn được quyền làm không quá 20 giờ/ tuần; nếu bạn học tiến sĩ thì thời lượng này sẽ ít hơn nhiều, 8 giờ/ tuần, không vượt mức 240 giờ mỗi năm). Sau khi có giấy phép này, bạn có thể xin việc làm với lương cao hơn. Khi bạn về nước, bạn nhớ xin công ty nơi bạn đã từng làm việc xác nhận công tác cho bạn. Sau đó, bạn hãy liên hệ với công ty bảo hiểm có liên kết với công ty của bạn để xin tiền trợ cấp thôi việc.
Thời tiết ở Úc thay đổi khá nhanh trong thời gian ngắn, thậm chí là chỉ trong vòng một ngày. Sự thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến bạn dễ bị viêm họng, nhức đầu và sổ mũi. Do đó, bạn hãy liên tục theo dõi dự báo thời tiết trên ti-vi để phòng bị. Trước khi lên đường, bạn nên chuẩn bị cho mình một ít thuốc trị các bệnh: cảm cúm, chảy mũi, tiêu chảy, ăn không tiêu và dị ứng.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cho chuyến du học của bạn thuận lợi hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét